Vùng nông thôn, miền núi xảy ra bệnh dịch hạch khi con người ở khu vực này có tiếp xúc với các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài động vật gậm nhấm. Nguy hiểm nhất là những người thợ săn vì họ có thể bị bọ chét đã bị nhiễm bệnh chích đốt máu trong khi mang vác các động vật vừa giết được và mắc bệnh.
Vùng đô thị, bệnh dịch hạch có thể xảy ra khi có chuột sống ở quanh khu dân cư bị nhiễm bệnh. Khi chuột nhiễm vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis bị chết, bọ chét chuột sẽ rời vật chủ và sau đó tấn công người để chích đốt máu và truyền bệnh. Biện pháp phòng chống bọ chét được thực hiện bằng cách tự bảo vệ cá nhân, làm vệ sinh đơn giản và dùng hóa chất diệt côn trùng.
1. Giữ gìn và bảo vệ bản thân khỏi bọ chét
Khi công tác, làm việc, lao động tại những khu vực có bọ chét hoạt động với mật độ cao, đặc biệt là nơi có loài bọ chét chuột Xenopsylla cheopis đóng vai trò truyền bệnh quan trọng trong lây nhiễm bệnh dịch hạch cần phải xem xét việc áp dụng biện pháp tự bảo vệ cá nhân bằng cách sử dụng các loại hóa chất xoa vào da và quần áo hay tẩm hóa chất diệt côn trùng thích hợp vào quần áo vì chúng có thể ngăn cản sự tấn công của bọ chét chích đốt máu làm cho mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh.
2. Làm vệ sinh nơi sinh sống
Bọ chét sinh trưởng qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, thanh trùng hay nhộng và con trưởng thành. Thực tế ghi nhận mật độ của bọ chét trưởng thành, trứng, ấu trùng, thanh trùng hay nhộng của bọ chét có thể giảm hẳn hay hết sạch khi thường xuyên vệ sinh quét dọn, cọ rửa sàn nhà và giữ gìn nhà ở sạch sẽ. Dùng máy hút bụi để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cũng có tác dụng hiệu quả. Trong các trường hợp người mới đến ở trong những căn nhà bị bỏ hoang bị nhiễm bọ chét có thể có số lượng lớn bọ chét mới nở tấn công để gây phiền hà và truyền bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo nên làm vệ sinh nền nhà, sàn nhà bằng cách tẩy rửa, dùng hóa chất diệt côn trùng hoặc dung dịch naphthalen, benzen để xử lý nhưng phải dùng khẩu trang bảo vệ tránh hít thở hơi benzen.
3. Dùng hóa chất diệt côn trùng
Đối với những nơi bị nhiễm bọ chét nặng, có thể thực hiện biện pháp rắc hoặc phun hóa chất diệt côn trùng vào các khe kẽ, góc phòng nơi có mặt bọ chét trưởng thành và ấu trùng bọ chét trú ẩn. Đồng thời cũng có thể dùng hóa chất diệt côn trùng để xử lý quần áo và các vật dụng bằng lông động vật.
Ngoài ra, các bình xông khói là thiết bị dạng xông hơi hóa chất diệt côn trùng có tác dụng nhanh như nhóm pyrethroid tổng hợp, propoxur, bendicarb... có thể diệt bọ chét trực tiếp và khá tiện lợi cho việc sử dụng. Tuy vậy, tác dụng của hóa chất diệt thường chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn và sự tái nhiễm bọ chét sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại.
4. Xử lý bọ chét chuột truyền bệnh dịch hạch
Như trên đã nêu, bọ chét chuột Xenopsylla cheopis là thủ phạm trung gian truyền bệnh dịch hạch chủ yếu, quan trọng hơn các loài bọ chét chó Ctenocephalis, bọ chét mèo Ctenocephalis canis và bọ chét người Pulex irritans. Vì vậy, biện pháp phòng chống các vụ dịch hạch xảy ra phải tác động kết hợp đồng thời cả hai vấn đề là rắc hóa chất diệt côn trùng vào nơi sống của chuột để diệt bọ chét chuột và diệt chuột. Nếu chiến dịch phòng chống dịch hạch chỉ với mục đích là diệt chuột đơn thuần thì có thể làm gia tăng việc lan truyền bệnh dịch hạch cho con người vì chuột chết hàng loạt sẽ có khả năng làm cho nhiều bọ chét chuột rời vật chủ đã chết đi tìm người là nguồn chích đốt máu thay thế để lây nhiễm bệnh.
Bột hóa chất sử dụng được rắc vào hang, đường đi lại hoặc bất cứ nơi nào chuột thích lui tới để tìm kiếm thức ăn. Khi chuột ngọ nguậy chúng sẽ làm phát tán bột hóa chất khắp lông và sẽ có tác dụng giết chết bọ chét. Trước khi bắt đầu thực hiện việc phòng chống, điều quan trọng là phải biết hang ở và đường đi lại của chuột một cách cụ thể. Để tiết kiệm hóa chất, các hang chuột phải được lấp lại; sau đó chỉ khi nào phát hiện thấy hang được đào trở lại mới rắc hóa chất vào. Phải rắc bột hóa chất dày khoảng 1cm ở chung quanh cửa hang; đồng thời rắc các đám hóa chất có chiều rộng từ 15 - 30cm dọc theo đường đi lại của chuột di chuyển. Bột hóa chất nên rắc ở những nơi an toàn được giữ lại, không bị người và gió làm xáo động, biến đổi ảnh hưởng. Cần lưu ý không được rắc hóa chất tại các chỗ có thể làm ô nhiễm thức ăn, nước uống. Trên thực tế, nhiều loại hóa chất diệt bọ chét chuột có khả năng tồn lưu được tác dụng trong thời gian từ 2 - 4 tháng nếu được rắc ở trong nhà và những nơi ổn định, không bị xáo trộn.
Muốn rắc hóa chất diệt bọ chét chuột đạt yêu cầu phải sử dụng thiết bị có cấu tạo giống cái bơm là thích hợp nhất cho việc rắc bột nhanh chóng vào các hang chuột và đường đi lại của chuột ở những gác xép cũng như dưới nền nhà. Thiết bị gồm một bơm không khí giống bơm xe đạp có gắn với hộp đựng bột hóa chất. Không khí từ bơm được nén vào trong hộp làm khuấy động bột hóa chất chứa ở trong đó và đẩy chúng ra miệng lỗ. Một thiết bị khác đơn giản hơn là có thể sử dụng một bình hay hộp xách tay đựng bột hóa chất được bít kín một đầu, còn đầu kia có cấu tạo bằng một tấm lưới 16 lỗ. Ngoài ra, cũng có thể dùng một cái hộp có một đầu đục lỗ chứa bột hóa chất để rắc khi không có các thiết bị chuyên dụng. Những loại bột hóa chất có độc tính thấp có thể sử dụng để rắc vào quần áo hoặc lông động vật nuôi với những dụng cụ như vậy để phòng chống bọ chét.
Việc kết hợp diệt chuột và diệt bọ chét chuột là biện pháp được các nhà khoa học khuyến cáo thực hiện để phòng chống dịch hạch xảy ra ở những thành phố. Các hóa chất diệt bọ chét chuột được áp dụng đồng thời hoặc trong ít ngày sau khi đánh bả diệt chuột. Các bả diệt chuột thích hợp nhất là sử dụng wafarin, ceumafuryl, defenacoum, brodifacoum, coumatetralyl, bromadialone, cholorophacinone, zinc phosphide... Ở những nơi chứa các loại thực phẩm và hàng hóa chất thành đống tại chợ, cửa hàng; để bảo đảm an toàn nên sử dụng các hộp mồi có tác dụng làm cho chuột bị nhiễm dính bột hóa chất diệt bọ chét trước khi chết do ăn phải bả độc. Các hộp mồi có thể đặt dọc theo đường đi lại của chuột trong khoảng 60 mét và hộp mồi thường có 100g thức ăn trộn lẫn với bả diệt chuột.
Theo ĐSSK
Bệnh Sán Chó Mèo Ở Người Có Trị Khỏi Hoàn Toàn Được Không?
Bệnh Sán Chó Mèo Ở Người Có Trị Khỏi Hoàn Toàn Được Không? Khi nhiễm giun sán chó mèo có người xuất hiện triệu chứng có người không, nếu xuất hiện triệu...
Xem: 40875Cập nhật: 20.02.2023
Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Sán Chó Và Cách Chữa
Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Sán Chó Và Cách Chữa. Khi nhiễm sán chó thường diễn biến âm thầm và ít có triệu chứng, một số người có mẩn ngứa da, đau nặng...
Xem: 35126Cập nhật: 18.02.2023
Nếu Bị Giun Đũa Chó Mèo Điều Trị Ở Đâu Bao Lâu Thì Khỏi?
Nếu Bị Giun Đũa Chó Mèo Điều Trị Ở Đâu Bao Lâu Thì Khỏi? Giun đũa chó hay còn gọi là bệnh sán chó Toxocara, người bị nhiễm do nuốt phải trứng chứa ấu trùng...
Xem: 86739Cập nhật: 17.02.2023
Bệnh sán chó những điều cần biết về bệnh sán chó
Bệnh sán chó những điều cần biết về bệnh sán chó. Bệnh sán chó có nhiều tên gọi khác nhau như là bệnh giun đũa chó mèo, bệnh Toxocara, bệnh giun đũa chó. Lý...
Xem: 27607Cập nhật: 16.02.2023