Vừa qua,một người đàn ông 41 tuổi ở Sơn La gặp triệu chứng toàn thân ban đỏ, ngứa nhiều năm. Dù đã nhiều lần chữa trị ở các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương, nhưng bệnh không thuyên giảm. Anh quyết định xuống khám tại Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương.Quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện các ấu trùng giun màu trắng, di chuyển dưới da bệnh nhân, một số chui lên khỏi bề mặt da.
Mẫu vật được gửi tới Phòng Ký sinh trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định. Qua phân tích, các nhà khoa học xác định đó là ấu trùng của giun tròn thuộc giống Oxyspirura, ký sinh đặc trưng ở mắt lớp Chim (gia cầm/chim hoang).
So sánh trên Ngân hàng Gene, nhóm nghiên cứu thấy trình tự gene 18S rDNA mẫu ấu trùng thu từ bệnh nhận tương đồng với loài Oxyuspirura petrowi ở mức 96,6%, nên chưa xác định chính xác tên loài giun tròn.
Ấu trùng này khu trú nhiều nơi trên cơ thể, đặc biệt vùng mặt, đầu, lưng, bụng, tứ chi, gây các tổn thương da, viêm da, có trường hợp ngứa và ban đỏ toàn thân.
Giống Oxyspirura gồm 84 loài, chủ yếu ký sinh ở mắt của lớp Chim. Chúng lây truyền qua vật chủ trung gian là các loài động vật chân khớp, như gián, gián đất, dế, châu chấu để phát triển đến giai đoạn ấu trùng cảm nhiễm.
Bệnh nhân cho biết có ăn châu chấu và dế, nên đây có thể là vật chủ trung gian tiềm ẩn lây truyền ấu trùng giun tròn này.Ngoài ra, có thể bị nhiễm bệnh theo con đường khác, cần phải nghiên cứu thêm.
Để xác định con đường truyền bệnh cho người, theo PGS Doanh, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục xác định loài ấu trùng giun tròn, tìm chính xác loài vật chủ dự trữ phát tán nguồn bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh, cũng như đặc điểm sinh học và vòng đời phát triển loài này.
Theo vnexpress