Theo các chuyên gia 75% ca đột quỵ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol nhưng người bệnh và người nhà chưa quan tâm đúng mức, thậm chí vẫn còn thờ ơ với yếu tố nguy cơ này. Điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày là một trong những cách quan trọng để phòng tránh thừa cholesterol, nếu kiểm soát được có thể giảm 27% nguy cơ đột quỵ.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra thực đơn LIGHT bao gồm những khuyến nghị về dinh dưỡng giúp phòng tránh tình trạng thừa cholesterol, góp phần hạn chế nguy cơ đột quỵ.
1. L - Lựa chọn chất béo có lợi
Theo chuyên gia cho biết, nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm rằng loại bỏ chất béo ra khỏi chế độ ăn có thể giảm cholesterol trong máu. Song chất béo rất cần thiết cho chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh nên thay vì loại bỏ, cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, óc, lòng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp...
Tăng cường bổ sung chất béo có lợi như axit béo omega 3 có nhiều trong các loại cá biển sâu (cá hồi, cá trích...) và dầu thực vật (dầu gạo lứt, đậu nành, hướng dương...). Những loại dầu chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol góp phần ức chế enzyme thúc đẩy sản xuất cholesterol và tăng đào thải chúng ra ngoài cơ thể; Phytosterol có khả năng giảm hấp thụ cholesterol trong máu. Đây cũng là phương pháp giảm hấp thụ cholesterol được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
2. I - Ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật
Cholesterol được sản xuất chủ yếu từ gan và một phần từ chế độ ăn uống hàng ngày. Người trưởng thành, nhất là đối với người bị tăng cholesterol máu, thừa cân béo phì nên hạn chế tiêu thụ nội tạng động vật và thịt đỏ. Đây đều là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Nếu ăn thịt nên sử dụng phần nạc và bỏ da, mỡ, tăng cường bổ sung protein từ cá, hải sản, đậu đỗ. Người trưởng thành khỏe mạnh không nên ăn quá 300-500 gram thịt đỏ (bò, heo, cừu...) mỗi tuần, chỉ nên ăn 1-2 lần mỗi tuần, một lần 100-150 gram.
3. G - Giảm muối khi ăn
Giảm muối vì người Việt ăn mặn gấp đôi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 2015, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 9,4 gram muối mỗi ngày, trong khi lượng khuyến nghị chỉ là 5 gram một ngày (khoảng 2.000 mg natri). Khi chế biến thức ăn, người nội trợ nên giảm lượng muối để gia đình quen dần, tập cho trẻ ăn nhạt từ nhỏ. Chế độ ăn nhạt góp phần phòng tránh tăng cholesterol, nhiều bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường...
4. H - Hạn chế rượu, bia
Bia không chứa cholesterol nhưng lại có carbohydrate và cồn, các chất này có thể làm tăng mức triglyceride trong cơ thể. Một số loại rượu cũng không có cholesterol, song một số chất được thêm vào rượu để tăng hương vị có thể chứa nhiều đường, ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong cơ thể. Chỉ số cholesterol toàn phần lý tưởng nên dưới 200 mg/dL (5.2mmol/L). Chỉ số LDL nên ở mức dưới 100 mg/dL (2.6mmol/L). Chỉ số triglycerides (một loại chất béo trung tính có trong máu) cũng cần được duy trì ở ngưỡng dưới 150mg/dL (1.7mmol/L). Cholesterol tốt (HDL) nên cao hơn 60 mg/dL (1.55mmol/dL).
5. T - Tăng cường rau xanh, ngũ cốc
Rau xanh có lợi cho sức khỏe, chứa nhiều chất xơ hỗ trợ "quét" cholesterol thừa ra khỏi cơ thể. Mỗi 1.000 kcal khẩu phần nên khoảng có 14 gram chất xơ. Tuy nhiên, theo Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020, chế độ ăn của người Việt hiện mới chỉ đáp ứng 66,4-77,4% nhu cầu khuyến nghị rau xanh và quả chín dành cho người trưởng thành.
Người trưởng thành cần khoảng 400 gram rau và 100-200 gram trái cây mỗi ngày, ưu tiên trái cây nhạt; nên dùng đa dạng rau củ quả nhiều màu sắc bởi càng nhiều màu càng giàu các dưỡng chất. Bạn có thể nhớ quy tắc đơn giản theo chế độ cầu vồng là 5 khẩu phần trái cây và rau với 5 màu mỗi ngày.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt... cũng là những nguồn cung cấp chất xơ hỗ trợ giảm hấp thu cholesterol vào máu, có thể bổ sung vào bữa.
SÁN LÁ GAN CÓ NGUY HIỂM CHO NGƯỜI ?
Bệnh sán lá gan bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn. Bệnh sán lá gan ở người là bệnh nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng làm ảnh hưởng...
Xem: 57702Cập nhật: 10.01.2021
NHỮNG CÁCH PHÒNG BỆNH TRẺ NHÒ THỜI TIẾT LẠNH
Trẻ em cần được giữ ấm cơ thể, tắm đúng cách, ngủ đủ giấc, không nên ở lâu trong phòng kín và duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Xem: 37354Cập nhật: 10.01.2021
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ GIUN ĐŨA CHÓ MÈO
Bệnh giun chó mèo_Toxocariasis do tác nhân gây bệnh là Toxocara Canis hay Toxocara Cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Ấu trùng của loài...
Xem: 49214Cập nhật: 10.01.2021
XÉT NGHIỆM BỆNH GIUN LƯƠN
Hiện nay, nước ta tỷ lệ nhiễm giun lươn khá cao trong dân số. Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, đến một lúc nào đó có thể gây ra nhiều...
Xem: 53552Cập nhật: 09.01.2021