NHIỄM SÁN CHÓ DO THÓI QUEN ĂN GỎI
HẢI PHÒNG - Người đàn ông 37 tuổi, nhập viện vì đau ngực, bụng, bác sĩ phát hiện bị nhiễm sán và giun đũa, do thói quen ăn gỏi và nuôi chó mèo.
Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, người bệnh chia sẻ anh thường xuyên ăn gỏi tôm, cá, cua, cũng như gia đình nuôi nhiều chó mèo. Trước nhập viện ba ngày, người đàn ông bị đuối sức, ho, đau ngực.
Kết quả chụp CT phát hiện hình ảnh viêm phổi, tràn dịch - tràn khí màng phổi, áp xe gan trái. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm đồng thời sán lá phổi và giun đũa chó mèo.
Ê kíp điều trị tích cực diệt sán lá phổi, giun đũa chó mèo, dẫn lưu, bơm rửa màng phổi. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định.
Hình ảnh viêm, tràn dịch màng khí phổi trên phim chụp của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sán lá phổi là một loài giun dẹp, sống ký sinh ở phổi người, cụ thể là tiểu phế quản. Ấu trùng sán chui vào cơ thể người qua thực phẩm chưa được nấu chín, theo đường máu đến phổi và phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian ủ bệnh khoảng 5-6 tuần, dấu hiệu nhiễm sán là ho mạn tính, ho ra máu, đau ngực, khó thở, dị ứng da hoặc dị dạng thần kinh trung ương.
Bên cạnh đó, giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại giun ký sinh ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.
Người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ, ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây bệnh cảnh của viêm não, màng não. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.
Các bác sĩ khuyến cáo với bệnh sán lá phổi, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa ăn gỏi hải sản hoặc nướng. Vệ sinh tay, dụng cụ chế biến sạch sẽ, dùng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nắm rõ yếu tố vùng dịch tễ.
Khi có các biểu hiện ngứa da, mẩn ngứa, mề đay, đau bụng, tức ngực, đau đầu, mờ mắt… nghi ngờ mắc giun sán thì cần đi khám và làm xét nghiệm ngay tại các cơ sở Y tế hoặc chuyên khoa về Ký sinh trùng giun sán.
Với giun đũa chó mèo, các gia đình cần vệ sinh môi trường, khu vực trong nhà, không cho trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, thực hiện ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.
Thúy Quỳnh/ Vnexpress.
Tác Hại Và Triệu Chứng Của Bệnh Giun Đũa
Nhiễm bệnh giun đũa có thể góp phần làm suy giảm protein. Theo sự tính toán ở một nghiên cứu thực nghiệm trên người thì ở trẻ em bị nhiễm từ 13 đến 40 giun...
Xem: 107024Cập nhật: 27.04.2020
Quy Trình Xét Nghiệm Echinococcus IgG
Echinococcus Elisa Test là xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết enzyme (Elisa) dùng để tầm soát định tính kháng thể IgG kháng Echonococcus sp. trong mẫu huyết thanh ...
Xem: 72335Cập nhật: 23.04.2020
Quy Trình Tìm Giun Đũa Chó Bằng Phương Pháp Elisa
Phương pháp xét nghiệm tìm giun đũa chó là miễn dịch hấp thụ liên kết enzyme. Kỹ thuật xét nghiệm phức hợp Sandwich. Toxocara Elisa Kit là xét nghiệm miễn dịch...
Xem: 79219Cập nhật: 28.03.2020
Dấu Hiệu Nhận Biết Bệnh Sán Lá Gan Lớn
Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis) là do loài Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica gây nên. Loài sán này chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu,...
Xem: 65637Cập nhật: 26.03.2020