Trước đó, Khoa Thăm dò chức năng cũng đã nội soi mật tụy ngược dòng gắp 50 con sán lá gan sống trong ống mật chủ của bệnh nhân 52 tuổi. Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn thay vì phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở, hạn chế tai biến như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ..., thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh và đảm bảo tính thẩm mỹ, tiết kiệm chi phí điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Khoa Thăm dò chức năng, cho biết giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun trong đường tiêu hóa khi mật độ giun tăng lên với số lượng lớn. Giun ký sinh ở ruột non có thể di chuyển ngược lên tá tràng đến cơ vòng Oddi và lọt vào ống mật chủ, ống gan chung, ống túi mật và hệ thống đường mật trong gan. Giun chui ống mật có thể dẫn tới nhiễm trùng đường mật, áp xe gan, áp xe đường mật, thậm chí nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng và tử vong.
Triệu chứng thường gặp là cơn đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, vật vã, quằn quại, đau từng cơn, buồn nôn, sốt...
Để phòng tránh giun chui ống mật :
- Nên ăn chín, uống sôi.
- Không ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến.
- Hạn chế ăn rau sống, rửa rau sạch.
- Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần