Trẻ còi cọc, lười ăn, thiếu máu vì nhiễm giun sán và cách nhận biết
SKĐS - Nhiễm giun sán khiến trẻ còi cọc, lười ăn, thiếu máu... Ở nước ta có tới 40 - 80% trẻ em bị nhiễm giun sán đường ruột tùy theo từng vùng.
Nhiễm giun sán là vấn đề có thể gặp ở mọi đối tượng và mọi nơi trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nóng ẩm, dân số đông đúc và điều kiện môi trường vệ sinh có phần hạn chế, đây là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại ký sinh trùng khác nhau. Ở nước ta có tới 40 - 80% trẻ em bị nhiễm giun, sán đường ruột tùy theo từng vùng. Bài viết này sẽ tập trung vào cách phân biệt và điều trị các loại giun thường gặp nhất.
1. Trẻ dễ bị nhiễm giun đũa và có thể gây tắc ruột
Giun đũa cư trú ở ruột non, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài gây ô nhiễm nước, đất cát... khi ăn phải trứng giun, trứng vào ruột nở thành ấu trùng, rồi di chuyển vào phổi lên khí quản, qua thực quản xuống ruột non, trở thành giun trưởng thành.
Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vòng quanh rốn, nôn ra giun, đi cầu ra giun và hay bị rối loạn tiêu hóa. Khi quá nhiều giun ở ruột có thể gây tắc ruột do búi giun, viêm ruột thừa, viêm phúc mạc do thủng ruột hoặc giun di chuyển vào đường gan mật gây viêm đường mật, giun chui ống mật, áp-xe gan.
2. Trẻ nhiễm giun kim có thể hay quấy khóc đêm, ngứa hậu môn dai dẳng
Giun kim cư trú ở ruột già, giun cái đẻ trứng vào ban đêm ở hậu môn. Trứng có ấu trùng vào ruột phát triển thành giun trưởng thành. Đường lây nhiễm từ hậu môn vào miệng qua bàn tay, quần áo, giường chiếu...
Nhiễm giun kim hay gặp ở trẻ nhỏ, ban đêm trẻ thường khó ngủ, hay quấy khóc do ngứa hậu môn và thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng đôi khi có lẫn máu và chất nhầy. Do ngứa nên trẻ gãi nhiều sẽ làm hậu môn xây xát dễ nhiễm khuẩn. Có thể phát hiện thấy giun kim ở hậu môn vào buổi tối khi trẻ ngứa hoặc tìm trứng giun kim trong phân.
Nhiễm giun sán là vấn đề có thể gặp ở mọi đối tượng. Ảnh minh hoạ.
3. Trẻ nhiễm giun tóc có thể gây đau bụng, mót rặn khi đại tiện
Giun tóc cư trú ở ruột già. Đường lây nhiễm là sau khi ăn phải trứng có ấu trùng, trứng này theo thức ăn nước uống vào ruột, ấu trùng thoát vỏ rồi trở thành giun trưởng thành sống ở ruột già. Khi nhiễm nhiều giun tóc thì mới có biểu hiện rõ các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Nếu nhiễm nặng sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột già, gây hội chứng lỵ. Trẻ đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần với lượng phân ít, có chất nhầy lẫn máu, nặng hơn có thể gây trĩ sa trực tràng.
4. Trẻ nhiễm giun móc gây mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu
Giun móc cư trú ở đoạn trên ruột non, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình một con giun móc có thể hút 0,2ml máu/ngày. Giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng. Ấu trùng vào máu lên phổi rồi xuống ruột non trở thành giun trưởng thành. Đường lây nhiễm giun móc do ấu trùng chui qua da hoặc đường miệng, do ăn phải ấu trùng từ rau sống, tay bẩn, đất cát...
Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ em lớn sống ở vùng nông thôn, do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón… Khi ấu trùng chui qua da thì sẽ thấy nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ trên cơ thể, ở giai đoạn ấu trùng qua phổi sẽ xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng. Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu không được điều trị, dần dần trẻ sẽ bị thiếu máu nặng và có thể tử vong do suy tim.
Hình ảnh một bé nhiễm giun sán có biểu hiện ngứa ngoài da
Cần tẩy giun cho trẻ theo khuyến cáo
Khi trẻ có biểu hiện đau bụng, chậm tăng cân, biếng ăn, nôn ra giun, đi ngoài ra giun, ngứa hậu môn… hoặc xét nghiệm phân có nhiều trứng giun, thì nên tẩy giun cho trẻ. Sử dụng loại thuốc tẩy giun có tác dụng trên nhiều loại giun, ít độc, ít tác dụng phụ. Thuốc tẩy giun dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi là Albendazole 200 mg hoặc Mebendazole (Fugacar, vermox) 500 mg liều duy nhất.
Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên là Albendazole (Zentel) 400 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Uống vào buổi tối và sau khi ăn no thường sẽ dung nạp tốt và dễ chịu với trẻ.
Các trường hợp có biểu hiện trên kèm ngứa da, mề đay, mẩn ngứa thì cần đi khám Chuyên khoa ký sinh trùng giun sán để có liệu trình chữa trị kịp thời.
Với một số trường hợp cụ thể, tùy vùng dịch tễ và loại giun mắc phải, có thể phải xét nghiệm máu, bác sĩ có thể cho dùng nhắc lại sau một tháng hoặc một số thuốc đặc trị khác theo chỉ định.
Để phòng nhiễm giun sán cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường cho cả trẻ và người chăm sóc trẻ. Không ăn rau sống, các loại thực phẩm chưa nấu chín và không uống nước chưa đun sôi. Không cho trẻ mút tay và cắt ngắn móng tay thường xuyên.
Nơi ở cần lau dọn và vệ sinh nhà cửa thường xuyên, cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 1 tuổi 6 tháng/lần, nhất là trẻ em trong lứa tuổi học đường.
Theo: suckhoedoisong.vn/
SỐT XUẤT HUYẾT - NHỮNG LƯU Ý VÀ CHĂM SÓC TRẺ BỊ NHIỄM
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc, có thể...
Xem: 28633Cập nhật: 18.10.2021
CÔNG DỤNG VÀ MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG CHANH TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG
Bất cứ một loại thực phẩm nào cũng sẽ có những công dụng , liều lượng khác nhau và tùy vào cơ địa của mỗi người . Nếu sử dụng sai, thậm chí bừa bãi,...
Xem: 26760Cập nhật: 16.10.2021
BẢO QUẢN THỰC PHẨM AN TOÀN MÙA DỊCH
Bảo quản thực phẩm là thói quen hằng ngày tưởng như vô hại của nhiều gia đình nếu không được tiến hành đúng cách sẽ mang lại nhiều rủi ro cho sức khỏe...
Xem: 27510Cập nhật: 12.10.2021
NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM NÊN HẠN CHẾ HÂM LẠI
Một số món ăn, nếu còn thừa lại chúng ta có thể lưu trữ để bữa sau hâm nóng lại dùng tiếp, không gây hại sức khỏe. Tuy nhiên, với 5 loại thực phẩm sau đây...
Xem: 27773Cập nhật: 09.10.2021