Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, cho biết trong khi ngồi chờ đến giờ lên máy bay, người này đột ngột quỵ xuống, không nói được, không nhận ra người quen. Sau hai giờ, ông đã liệt hoàn toàn nửa người phải, mất khả năng ngôn ngữ và tri giác.
Các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh xác định, người đàn ông bị nhồi máu não cấp do tắc một động mạch não lớn. Ông được đưa đến viện sớm, thời gian cấp cứu trong "khung giờ vàng", kịp thời được tiêm thuốc tiêu sợi huyết, giải phóng cục máu đông gây tắc mạch. Tuy nhiên, việc tái thông chưa triệt để, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, các bác sĩ phải can thiệp nội mạch, dùng dụng cụ, trực tiếp lấy cục máu đông ra ngoài.
Hiện, vùng não nằm phía sau chỗ tắc đã được tưới máu trở lại. Bệnh nhân tỉnh táo, ngồi dậy được, tri giác bình thường, gọi hỏi biết nhưng còn nói khó. Nửa người bên phải bị liệt đã cử động được nhẹ nhàng, sức cơ tay chân hồi phục khá.
Bác sĩ Nga chia sẻ, đột quỵ, hay tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị tổn thương đột ngột, do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (nhồi máu) hoặc vỡ (xuất huyết). Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế.
Dạng nhồi máu não phổ biến hơn, chiếm khoảng 70-80%. Hiện, có nhiều phương pháp điều trị, có thể tái thông mạch máu khẩn cấp, trong khung thời gian 4-6 giờ, thậm chí 24 giờ, mở rộng cơ hội cứu sống người bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết não ít hơn, nhưng tình trạng, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng hơn.
"Người đàn ông trên có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường type 2. Chúng tôi nghi ngờ đây là hai thủ phạm chính gây ra cơn đột quỵ cho bệnh nhân", bác sĩ Nga nói.
Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ rất nhiều, nhưng người bị rối loạn lipit máu (máu nhiễm mỡ), mắc các bệnh tim mạch, người nghiện thuốc lá, thuộc nhóm nguy cơ cao nhất. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, qua các ca đột quỵ ghi nhận tại nhiều bệnh viện. Các tổ chức đột quỵ trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khẳng định các yếu tố nguy cơ này.
Các bệnh nhân rung nhĩ, van tim, rối loạn nhịp, khuyết tật tim bẩm sinh... trái tim hoạt động không khỏe mạnh, việc bơm máu thiếu trơn tru. Do đó, tim có thể ngưng tưới máu lên não đột ngột, hoặc cục máu đông hình thành từ nhịp tim bất thường di chuyển đến não, bị mắc kẹt gây đột quỵ. Hoặc, quá trình xơ vữa mạch máu ở các bệnh nhân đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, nghiện thuốc lá cao hơn người bình thường. Các mảng xơ vữa có thể làm hẹp lòng mạch máu, cản trở máy lưu thông. Chúng vỡ ra, tạo thành cục máu đông, gây đột quỵ.
Với bệnh tăng huyết áp cũng gây hại tương tự, nhưng nghiêm trọng hơn. Khi huyết áp tăng, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết não, bác sĩ Nga lý giải.
Người chưa bị đột quỵ mà mang yếu tố nguy cơ cao như kể trên, bác sĩ Nga khẳng định, điều trị phòng ngừa là hiệu quả nhất. Khi người bệnh tuân thủ điều trị, kiểm soát bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường tốt, nguy cơ sẽ giảm theo. Khuyến cáo bỏ thuốc lá.
Người đã từng đột quỵ, phải tìm ra nguyên nhân để điều trị tận gốc. Sau khi thoát khỏi nguy cơ tử vong, cần uống thuốc phòng ngừa tái phát và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Bác sĩ Nga khuyên người lớn tuổi, người có nguy cơ đột quỵ nên ăn ít muối, ít dầu mỡ, ít đường như bệnh nhân tim mạch. Chú ý lắng nghe dấu hiệu của cơ thể. Bất cứ khi nào cảm thấy chóng mặt, tê yếu một nửa người, méo miệng, nói khó, dù chỉ thoáng qua và biến mất, nên nghĩ ngay đến đột quỵ và tới bệnh viện can thiệp kịp thời.
"Người trẻ cũng là 'con mồi' của đột quỵ. Trừ bệnh lý dị dạng mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu, thì lối sống thành thị với thức ăn nhanh, bia rượu, thuốc lá, lười vận động... là con đường đến đột quỵ", bác sĩ Nga chia sẻ.
Theo vnexpress