1. Nguyên nhân bệnh và biến chứng
Chắc chắn bạn sẽ không thể ngủ ngon vì thức giấc nhiều lần, bị mệt, đau đầu hoặc tăng cân. Nhưng đó không phải là tất cả. Bác sĩ Tan cho biết: "Sự kết hợp giữa giấc ngủ bị xáo trộn và thiếu oxy có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, suy tim, nhịp tim bất thường hoặc thậm chí đột quỵ.
Rối loạn cảm xúc, buồn ngủ, trầm cảm và vấn đề về trí nhớ cũng có thể xảy ra. Các vấn đề liên quan khác bao gồm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và rối loạn chức năng tình dục. Thừa cân thường đi kèm với tuổi tác sẽ làm bệnh xấu hơn do các cơ yếu đi, đồng thời mô quanh cổ và họng dày lên.
Theo bác sĩ Tan, lệnh có thể bắt nguồn từ yếu tố bẩm sinh như đường dẫn khí trong lỗ mũi hẹp hơn do sụn ngăn cách hai lỗ mũi bị lệch. Các mô mềm phát triển trên niêm mạc mũi, xoang, cổ họng hoặc amidan là những yếu tố khác. Hormone tuyến giáp thấp hoặc suy giáp có thể gây yếu cơ và mô mỡ tích tụ xung quanh đường hô hấp trên, dẫn đến hiện tượng ngáy.
Nếu bạn ngáy khi bị dị ứng hoặc cảm lạnh, nguyên nhân có thể do các loại thuốc bạn dùng. Bác sĩ Tan cho biết: "Thuốc có thể làm giãn cơ, khiến vùng xung quanh cổ họng và đường thở bị chùng xuống trong khi ngủ, xuất hiện tình trạng ngáy".
2. Cách chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh, bạn có thể trải qua bài kiểm tra giấc ngủ tại nhà. Theo đó, bạn phải đeo một thiết bị giám sát như đồng hồ đeo tay. Một đầu dò được gắn trên ngón tay dùng để theo dõi nồng độ oxy, nhịp mạch và trương lực động mạch ngoại biên. Bộ phận cảm biến ở ngực sẽ đo chuyển động cơ thể và mức độ ngáy.
"Bệnh nhân sẽ đeo các thiết bị này khi ngủ. Thông thường chỉ mất một đêm để hoàn thành bài kiểm tra", bác sĩ Tan cho hay.
3. Các bài tập giúp giảm ngáy
Một trong những biện pháp đơn giản là nằm nghiêng. Theo bác sĩ Tan, bệnh nhân thường ngáy ít hơn khi ở tư thế này so với việc nằm ngửa.
Giống như các cơ trên cơ thể, các cơ điều khiển lưỡi và những cơ ở hầu họng cũng có thể khỏe hơn nhờ luyện tập, bác sĩ Ruebini Anandarajan, trưởng khoa răng miệng tại SingHealth PolyClinics cho biết. Bạn có thể thực hiện các bài tập rèn luyện đường hô hấp trên, tốt nhất là dưới sự giám sát của chuyên gia về giấc ngủ.
Bác sĩ Anandarajan liệt kê 5 bước đơn giản bạn có thể thử ít nhất một lần mỗi ngày:
Bước 1: Mở rộng miệng và thè lưỡi về phía cằm. Giữ ít nhất 5 giây. Lặp lại 5 lần.
Bước 2: Miệng mở, uốn lưỡi ngược lên trên về phía vòm họng. Lặp lại tối đa 5 lần.
Bước 3: Đưa lưỡi chọc vào má trái và má phải của bạn liên tục trong 5 giây. Bạn có thể thêm lực bằng cách dùng tay ấn vào má.
Bước 4: Giữ cho lưỡi nằm giữa môi và nuốt nước bọt. Lặp lại tối đa 5 lần.
Bước 5: Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng trong khi đôi môi khép vào như thể bạn đang thổi bóng bay. Thở ra trong 5 giây. Bạn có thể lặp lại động tác này tối đa 10 lần.
4. Cách điều trị khác
Theo bác sĩ Tan, nếu người bệnh có nhu cầu điều trị theo phương pháp tiêu chuẩn, cho hiệu quả cao, thì máy thở áp lực dương (CPAP) là một lựa chọn. Liệu pháp này giúp bơm khí vào đường thở để người bệnh không ngất đi khi ngủ.
"Độ ồn của máy thường nhỏ hơn 30 dB, tương đương với tiếng thì thầm. Hơn nữa, dữ liệu về phản ứng của bệnh nhân với việc điều trị có thể lưu trên thẻ nhớ hoặc ứng dụng trên điện thoại di động và máy tính", ông nói thêm. Điểm trừ của cách này là bạn phải đeo mặt nạ để giúp bơm khí vào mũi khi ngủ, có thể gây vướng víu.
Một cách phương pháp khác là sử dụng các thiết bị lắp vào miệng do nha sĩ chỉ định. Bác sĩ Anandarajan cho biết: "Dụng cụ này đưa hàm dưới về phía trước một chút để mở đường thở. Với hạn sử dụng khoảng 3 năm, nó có các vít và đầu nối để điều chỉnh theo từng cá nhân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần đi kiểm tra thường xuyên do hàm và khớp cắn có thể thay đổi theo thời gian".
Tuy nhiên, bác sĩ Tan nhận xét phương pháp này cũng có hạn chế như làm chảy nước bọt quá nhiều, miệng khô, nhai khó, đau răng lợi, đau đầu, mỏi hàm. Về lâu dài, dụng cụ có thể gây ra những thay đổi về răng và khớp cắn. "Vì vậy, chúng chỉ được chỉ định và lắp bởi các chuyên gia nha khoa điều trị chứng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ", bác sĩ Tan khuyến cáo.
Theo vnexpress